Cập nhật ngày: 18/05/2020 15:22
Đối với Phú Thọ, song song với thực hiện Chỉ thị 05, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn luôn khắc ghi và làm theo những lời căn dặn của Bác khi về Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và “chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”. Một trong những lần về thăm Đền Hùng, ngày 19/9/1954, trước khi cùng Đại đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, tại sân Đền Giếng ngát xanh màu cổ tích, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đã 66 năm trôi qua, câu nói của Bác đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc, bảo vệ vẹn toàn độc lập chủ quyền dân tộc.
Thiếu tướng Nguyễn Hiền - nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 308 chia sẻ, ông vẫn nhớ như in hình ảnh “Bác ngồi trên cửa ngách bên phải Đền Giếng, đồng chí Thanh Quảng và đồng chí Song Hào ngồi trên bậc sát cạnh Bác, gần một trăm cán bộ, chiến sĩ ngồi xung quanh Bác trên thềm và khoảng sân. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân; tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”. Bác căn dặn và nhắc nhở bộ đội phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp… Lần đầu tiên trong lịch sử, quy luật dựng nước và giữ nước được Người tổng kết trong câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Lời căn dặn của Bác mang hàm nghĩa to lớn “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, đó cũng là tư tưởng xuyên suốt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần đại đoàn kết cũng được thể hiện rất rõ trong lời dạy của Người, kết tinh ở câu “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Lịch sử cũng như thực tế tình hình đất nước hiện nay cho thấy, toàn dân tộc Việt Nam đã giữ vững khối đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Lần thứ hai Bác về thăm Đền Hùng vào đúng ngày Cách mạng tháng Tám năm 1962. Tại đây ngoài việc căn dặn ý thức chính trị, phẩm chất cách mạng với lực lượng vũ trang, Người còn nhắc nhở: “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” (trích lời giới thiệu sách “Bác Hồ về thăm Đền Hùng”, Tỉnh ủy Phú Thọ, 8/2009). Thực tế những chữ “bảo vệ”, “trồng thêm hoa cây cối”, “trang nghiêm”, “đẹp đẽ”, “tham quan” đều là những chữ có ý nghĩa sâu sắc về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, đó là những chữ “chìa khóa” để khẳng định việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong những năm qua của tỉnh là đúng với mong muốn và lời dạy của Bác.
Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với một vị thế mới, một tầm nhìn chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, mang đậm đà bản sắc dân tộc, hấp dẫn du khách về với cội nguồn tri ân công đức Tổ tiên, là dịp để tỉnh quảng bá hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; khẳng định ý nghĩa cùng những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ.
Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, công đức của các địa phương, doanh nghiệp, của đồng bào trong và ngoài nước, tỉnh Phú Thọ đã làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong khu di tích. Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ đồng bộ, khang trang hệ thống các đền bằng những vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ kính thì khu sân vườn, đường hành hương tại Khu di tích cũng được sửa chữa nâng cấp, trồng bổ sung các loại cây bản địa và các lớp thảm thực vật tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm hơn. Ông Lê Trường Giang- Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng khẳng định: Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2004) đến nay đã 16 năm, Phú Thọ đã xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ, thu hút đông đảo du khách về bái Tổ.
Về thăm Đền Hùng, dừng chân nơi Đền Giếng hay dưới bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, mỗi người dân Việt Nam như vẫn còn nghe thấy lời Người ấm áp, vọng vang từ những mùa thu năm trước.