Quê nội của Nguyễn Sinh Cung là làng Kim Liên, còn có tên nôm là làng Sen. Kim Liên cách Hoàng Trù 2km, nằm cạnh một quả đồi không cao nhưng bà con vẫn quen gọi là núi Chung, cùng trên một mảnh đất với Hoàng Trù. Đất nghèo nhưng độc đáo là nhiều sen, sen trắng, sen hồng tỏa hương mát dịu. Tuy nghèo nhưng Kim Liên mang truyền thống hiếu học của xứ Nghệ… Làng Kim Liên tự hào về quê hương mình là “Đất văn vật, chốn thi thư”.
Nguyễn Sinh Cung sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của ông bà, cha mẹ và anh chị, trong truyền thống tốt đẹp của quê hương. Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn Sinh Cung đã sống thời thơ ấu trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của ông bà và cha mẹ, trong căn nhà nhỏ ba gian với cây mít đầu hồi, hàng cau và chiếc bể cạn trước sân. Là một cậu bé ham hiểu biết, Nguyễn Sinh Cung thích nghe chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường kể. Đó là thế giới tuổi thơ của bé Cung trước khi rời quê nhà, theo cha vào Huế…
Hơn 5 năm sống ở chốn kinh thành, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm, những lớp thành dày với những cổng lớn mang tên Đông Ba, Thượng Tứ, Ngọ Môn, Hiền Nhơn… Người dân Huế đi đứng từ tốn, có giọng nói dịu dàng, êm ái. Nguyễn Sinh Cung cũng thấy ở Huế có nhiều lớp người, những ông Tây da trắng nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm và rụt rè. Còn phần đông người lao động đều chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn “nhà quê”, những phu khuân vác, những người cu ly kéo xe tay, những trẻ em nghèo khổ lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.
Sau khi trở lại quê hương, ông Nguyễn Sinh Sắc thu xếp tạm ổn cuộc sống cho các con, nghe lời khích lệ của bà con trong họ, ngoài làng, ông lại tạm biệt quê hương, vào Huế dự kỳ thi Hội năm Tân Sửu đời Thành Thái thứ 13 (tức năm 1901). Lần đi thi này ông mang tên mới là Nguyễn Sinh Huy.
Ở lại quê hương, Nguyễn Sinh Cung được bà ngoại gửi đi học chữ Hán với thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh tại xóm Vang, làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km, trong ngôi nhà thờ của họ Phạm Trọng.
Tại khoa thi năm đó, ông Nguyễn Sinh Huy đỗ phó bảng. Việc ông Huy đỗ phó bảng đem lại niềm vui lớn cho gia đình, là sự đền đáp công ơn cụ Hoàng Xuân Đường đã hết lòng nuôi dạy, chăm sóc, cũng là niềm vui tự hào của họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên. Đã lâu lắm tổng Lâm Thịnh mới có một người đỗ phó bảng, cả làng, cả xã vui mừng, sắm sửa cờ xí, võng lọng đi rước vị tân khoa theo nghi thức. Nhưng ông Sắc cảm ơn và xin miễn cho những nghi lễ vì ông không muốn làm phiền bà con.
Giữ tình nghĩa thủy chung với gia đình cụ Hoàng Xuân Đường đã có công giúp học hành, đỗ đạt, ông Nguyễn Xuân Huy ở lại Hoàng Trù một thời gian. Trong khi đó dân làng Kim Liên cắt đất công, trích quỹ làng mua một ngôi nhà 5 gian, ông Nguyễn Sinh Huy đưa ba người con về sống ở thế hệ thứ 12 kể từ khi dòng họ Nguyễn Sinh sống ở làng, được làm lễ vào làng với tên gọi mới là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành… Lớn dần lên, càng đi vào cuộc sống của nhân dân, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước…
Đầu năm 1924, bà ngoại Nguyễn Tất Thành ốm nặng, ông Nguyễn Sinh Huy cùng hai con trở về Hoàng Trù chăm sóc bà. Tháng 4 (ngày 28 tháng 3 năm Giáp Thìn) bà Nguyễn Thị Kép qua đời. Nguyễn Tất Thành vô cùng thương xót bà kính yêu đã hết lòng yêu thương chăm sóc mình những năm thơ ấu.
Tuổi 14, Nguyễn Tất Thành được theo cha đi nhiều nơi như thôn Hạ , tổng Đa Đồng, Phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh) quê hương của cụ Phan Đình Phùng; làng Trung Lễ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) quê hương của cụ Lê Ninh, thăm các di tích thành Lục Liên, miếu thờ La Sơn Phu Tử, đến một số vùng thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành (tỉnh Nghệ An), tiếp xúc với những sĩ phu yêu nước. Tất Thành còn theo cha ra Thái Bình trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu ở đất Bắc, trong số đó có ông Nguyễn Quang Đoàn con trai nhà sĩ phu yêu nước Nguyễn Quang Bích
Những chuyến đi này giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng thêm tầm nhìn và tầm suy nghĩ. Không riêng gì đất Nam đâu, mà đâu đâu trên đất Nghệ An người dân cũng lam lũ trong kiếp ngựa trâu tôi tớ, ở đâu cũng âm ỉ những đốm lửa muốn đốt cháy quân thù. Trước cảnh thống khổ của nhân dân, người thiếu niên này đã sớm “có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào” và không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của dân ta không thành công. Câu hỏi “làm thế nào để cứu nước sớm được đặt ra trong trí óc người thiếu niên yêu nước”.
Tháng 8/1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết, nhờ gặp được một người có mối quan hệ từ trước với phụ thân, anh được giới thiệu vào làm trợ giáo môn thể dục tại trường Dục Thanh đúng vào dịp nhà trường mới khai giảng. Đối với Nguyễn Tất Thành, việc dạy học chỉ là tạm thời. Song anh vẫn đem hết nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước. Những học trò được học với thầy Thành vẫn còn nhớ những bài thơ ca yêu nước mà thầy đã truyền bá cho học sinh:
Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc
Mấy ngàn năm khai thác đến nay
Á Châu riêng một cõi này
Giống vàng ta cũng xưa nay một loài.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò quý mến vì thầy thương yêu học sinh hết mực và thầy có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Thành rất say mê đọc sách, qua sách báo giúp thầy tiếp cận những tư tưởng của những triết gia phương Đông, phương Tây, những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái…
Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh đã vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện… Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm cách ra nước ngoài xem thế giới làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào trước mắt, với anh vẫn là con đường học hỏi.
Đầu tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành Công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương, nhà số 128, Khánh Hội…
Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành thấy thêm những điều mới lạ, nhất là những cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề, kéo xe, bốc vác… sống chui rúc trong những túp lều lụp xụp, tối tăm…
Anh làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ, hay học nghề ở trường kỹ nghệ thực hành; làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tầu của Pháp để xin việc làm trên tầu…
Nghĩ đến cuộc hành trình lênh đênh trên biển hàng vạn dặm, anh không khỏi băn khoăn. Anh quyết định bộc lộ tâm trạng của mình với một người bạn:
- Tôi đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm. Anh muốn đi với tôi không?
- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
- Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình một cách tự tin và kiên quyết. Ngày 5/6/1911, một thủy thủ dẫn Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, lên tàu gặp thuyền trưởng Mai Xen và được nhận vào làm phụ bếp trên tầu.
Ngày 5/6/1911, tầu Ami Rau La Tu Sơ Tơ Rê Vin rời bến cảng Sài Gòn đi Mác-xây (Pháp), mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: Tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. Một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.