Nằm trong vùng đất cổ gắn với kinh đô Văn Lang xưa, Quế Trạo ẩn chứa trong mình một phần văn hóa phi vật thể của vùng Đất Tổ. Trong thôn (nay gọi là khu) còn tồn tại nhiều địa danh cổ như: đồi Mây, đồi Bổng, núi Nghè, giếng Ngọc, giếng Vàng, ruộng Lỗ...
Đình Quế Trạo thờ các nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước, là một trong những di tích thuộc hệ thống các di tích liên quan đến kinh đô Văn Lang và thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đình thờ tam vị đại vương là Đột Ngột Cao Sơn, Sùng Lãm Quý minh, Huệ Càn thánh quan.
Đình Quế Trạo được tu bổ, tôn tạo vào tháng 01 năm 2000. Đình có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, được xây dựng ven chân đồi, quay nhìn về hướng Đông. Bên phải Đình là khu dân cư, phía trước là cánh đồng nhỏ. Bên trái và phía sau Đình giáp với đường liên khu, rất thuận lợi cho việc đi lại và tổ chức lễ rước kiệu truyền thống.
Khuôn viên Đình rộng 1.692m2, được giới hạn bởi tường gạch thấp phù hợp với quy mô của Đình tạo sự hài hòa với khu dân cư. Nhìn tổng thể, ngôi đình hiện nay có quy mô vừa phải, gồm hệ thống mái với các cấu kiện bằng gỗ và hệ thống nền, móng chịu lực bằng bê tông cốt thép. Mái đình lợp ngói âm, trên bờ nóc đình hình lưỡng long chầu nhật được bố trí cân đối, trên bờ chảy và đao đình gắn các hình ly ngộ nghĩnh. Hiên Đình tạo một hàng 4 chân cột bê tông giả gỗ cùng 2 tường đốc hiên đỡ cho mái đình xòe rộng. Bờ tường đốc hiên có đắp phù điêu hình 2 võ sĩ trong tư thế đứng, tay cầm đao như đang bảo vệ chốn linh thiêng.
Tòa đại bái gồm 3 gian 2 dĩ, với bộ vì bằng gỗ kết cấu theo kiểu chồng bồn giá chiêng tạo ra không gian cao, thoáng, gian giữa trong đình bài trí 02 chiếc lọng và mộ bộ chấp kích - một trong những hiện vật thường thấy tại các ngôi đình.
Thật khó tìm ra cho đình Quế Trạo được thế "Thanh Long" hay "Bạch Hổ" mặc dù ở đây có núi, có sông bởi đình được tạo nên từ đôi bàn tay và trí óc của những người nông dân thuần Việt - những người vốn đơn giản chỉ thích nơi cao ráo, thoáng đãng và đặc biệt phải gần nguồn nước. Đó là một trong những cơ sở cho thấy đình Quế Trạo đã có lịch sử hình thành và tồn tại lâu đời.
Hàng năm ở Đình có các ngày tiệc:
Ngày mùng 8 tháng giêng (cũng là ngày hội làng). Ngày 12 và 15 tháng 2. Ngày mùng 10 tháng 3 giỗ Tổ. Ngày mùng 10 tháng 5. Ngày 15 tháng 7. Ngày mùng 2 tháng 8. Ngày 12 tháng 10 và ngày 25 tháng 12 âm lịch.
Khi xưa, để chuẩn bị cho lễ hội, làng phải cử người nuôi gà, lợn từ nhiều tháng trước, lợn phải đen tuyền, gà phải béo. Sáng ngày mùng 7 tháng Giêng phải chuẩn bị được đầy đủ lễ; các chân cờ, chân kiệu phải được tuyển chọn kỹ càng. Sáng mùng 8 chủ tế được rước ra đình làm lễ. Đoàn rước đi đầu là 2 cai cơ dẹp đường, sau là kiệu văn đặt bài vị, rồi tới kiệu bát cống đặt lễ gồm trầu cau, hoa quả, bánh chưng, bánh dày. Đi sau kiệu là 2 hàng quan viên, các bậc trưởng bối và cuối cùng là dân làng.
Trải qua thời gian, kiến trúc cũ cũng như lễ hội đình đã không còn. Năm 2000 nhân dân dựng lại ngôi đình trên nền móng cũ, nhân dân địa phương đang từng bước cố gắng từng bước khôi phục lại lễ hội của Đình và tổ chức định kỳ vào mỗi mùng 8 tháng giêng hàng năm. Đó sẽ là dịp để con dân Quế Trạo ở khắp mọi miền về hội họp, tưởng nhớ tới công đức của các vị thần hộ nước buổi sơ khai và những thế hệ đi trước đã xây dựng và bảo vệ xóm làng, đồng thời thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đình Quế Trạo cách trung tâm thành phố Việt Trì (khu vực ngã 3 Gia Cẩm) 3 km. Du khách đến thăm quan đình Quế Trạo có thể di chuyển theo các tuyến đường sau:
Đường bộ: Du khách đi từ ngã 3 Gia Cẩm (đại lộ Hùng Vương) theo đường Trần Phú qua Tỉnh ủy Phú Thọ 1,5 km rẽ trái theo biển chỉ dẫn đường Hoàng Quốc Việt khoảng 1,5 km là tới di tích.
Đường thủy: Du khách đi xuôi theo dòng sông Lô đến bến phà Đức Bác, lên bờ rẽ phải đi dọc theo đê Sông Lô khoảng 1km là tới di tích.
Đường sắt: Du khách đi từ ga Việt Trì tới khu vực trung tâm thành phố Việt Trì, đi theo đường Trần Phú qua Tỉnh ủy Phú Thọ 1,5 km rẽ trái theo biển chỉ dẫn đường Hoàng Quốc Việt khoảng 1,5 km là tới di tích./.