Đình Thanh Đình được xây dựng tại trung tâm làng Thanh Đình (nay là Khu 6, xã Thanh Đình, TP. Việt Trì). Đình toạ lạc trên khu đất có hình mai rùa nhìn quay theo hướng Tây Nam. Đình thờ “Tản Viên Sơn Thánh” và “Quý Minh Đại Vương”, những vị tướng đã có công giúp vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) bảo vệ bờ cõi; giúp dân trị thủy, đánh giặc bảo vệ dân làng và trở thành vị thần bảo hộ cho nhân dân địa phương, được nhân dân suy tôn là Thành Hoàng làng. Đình Thanh Đình là không gian văn hoá truyền thống, nơi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh, gắn với lịch sử thờ tự trong di tích và việc tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống của người dân Thanh Đình, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá phi vật thể vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc.
Đình Thanh Đình thờ Tản Viên và Quý Minh là những vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 18. Các ngài đã có có công lớn giúp vua Hùng Duệ Vương trong cuộc chiến Hùng- Thục. Trên đường đi đã dừng chân tại mảnh đất này, những chỗ các ngài dừng chân và cho quân diễn trò động viên quân sỹ, sau này nhân dân ghi nhớ công ơn mà lập đình thờ và tôn thần, mong các ngài giúp dân, giúp nước. Đức Thánh Tản sống làm tướng giỏi, chết làm thần thiêng, xứng đáng là vị thánh “Tứ bất tử” trong đời sống văn hoá tâm linh người Việt
Đình Thanh Đình được nhân dân hai làng Thanh Mai và Mai Đình góp công, góp của xây dựng khá sớm, từ những năm đầu thế kỷ XIX và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX, do điều kiện lịch sử đã tách đình Thanh Mai và Mai Đình mỗi làng trông nom một ngôi thiên trụ. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, đình Mai Đình bị tàn phá chỉ còn lại nền móng cũ và các di vật, cổ vật; đình Thanh Mai vẫn tồn tại và được tu sửa. Năm 2006, Đình được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép phục hồi lại trên nền móng cũ theo kiểu dáng và kiến trúc ngôi đình cổ, hợp nhất thành Đình Thanh Đình.
Đình Thanh Đình có kiến trúc chữ Nhất (-) dài 15,4m x rộng 6,7m , tổng thể được làm theo kiểu nhà 4 mái đao cong. Với kết cấu của ngôi đình truyền thống gồm 3 gian, 2 dĩ, mỗi gian cách nhau từ 3,2 đến 3,5m; 2 dĩ có chiều rộng là l,8m. Gian giữa trong cùng của đình Thanh Đình được bố trí thượng ban cao 2,2m x rộng l,5m x dài 3,9m. Mặt tiền thượng ban được bố trí cửa bức bàn 4 cánh và trang trí xung quanh. Phía trước được sắp đặt xà rồng, chạm nổi hình lưỡng long chầu nhật. Trên thượng ban đặt 3 cỗ long ngai, bài vị ở giữa được đặt tượng Thành Hoàng Quý Minh.
Trong Đình hiện còn lưu giữ các cổ vật: Tượng Thành hoàng Quý Minh, 03 bộ long ngai, long xà gỗ, hoành phi nhỏ, hoành phi lớn, giá đọc chúc, hòm đựng sắc phong, giá bát bửu; bát hương da lươn, một số đồ thờ sứ... là những cổ vật có niên đại từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Các hiện vật như: kiệu bát cống, tàn, lọng, án gian, hạc gỗ 02 con, cây nến, đài rượu, đài trầu, bát hương, đỉnh hương, câu đối….có niên đại cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đó là những di vật, hiện vật được người dân Thanh Đình bảo vệ, gìn giữ bao đời nay.
Một số lễ hội truyền thống tại Đình Thanh Đình:
* Lễ hội rước Giải:
Lễ hội rước Giải được tiến hành vào ngày mồng 3 tháng giêng Âm lịch. Ông Giải được làm bằng cây tre, lấy vải đỏ cuốn vào thân cây tre, cắt nhiều giấy làm hình vảy rồng dán lên thân tre, đuôi giải được cắt bằng giấy màu thành nhiều giải. Củ tre được cuốn giấy để làm đầu giải, rễ tre làm dâu giải.
Giấy màu được dán thành các hình con ba ba, tôm, cua, cá, ếch... Trên khung xương được tán bằng khung tre, buộc một diều hình thuyền, trên cán treo các con thủy lộc lủng lẳng. Chẻ nan tre làm một số nơm, rập, dậm, để cho 1 số ông làm nghề đánh cá mang theo khi tham gia lễ rước.
Sáng mồng 3 ông Giải được rước ra Đình trên cái giá kê bằng gỗ ở giữa sân đình để làm Lễ Tế. Tế lễ xong thì rước Giải. Đi đầu là đội cờ, trống chiêng, bát biểu, kiếm đao, sinh tiền bát âm, kiệu văn, kiệu lễ, đội tế cùng 5 ông giải, người úp nơm, đánh rập, vừa đi vừa úp cá, đánh dậm trên đường...
Các quan viên chức sắc trong làng, trẻ già, trai gái tưng bừng náo nhiệt hoà với tiếng đàn, sáo, trống khẩu nhịp nhàng, được rước đi quanh sân nhiều lượt. Rước xong ông Giải được hoá tại sân Đình. Các trò chơi: Đánh vật, hát nhà tơ, hát ống, kéo co, đu tiên... diễn ra đến buổi chiều và có khi qua đêm đến hết ngày hôm sau.
* Lễ rước ông Khiu bà Khiu
Lễ rước ông Khiu bà Khiu diễn ra ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch. Chuẩn bị làm lễ rước cần phải chọn ông Khiu, bà Khiu và chuẩn bị trang phục, làm Giàn Khiu, chuẩn bị mâm lễ.
Trước khi bắt đầu lễ rước, ông cai hội đánh ba hồi trống. Dứt trống thì rước kiệu đi. Sáng mồng 4 bà Khiu được đưa đến điểm xuất phát của lễ rước tại điếm Giõng, ông bà Khiu được rước đến sân Đình. Lễ vật được tiến vào trong Đình để làm tế lễ. Tế lễ xong, đội cờ, đội trống chiêng, bát bửu, kiếm đao, sinh tiền, kiệu văn, kiệu rước lễ, kiệu ông Khiu bà Khiu được rước đi. Các quan viên vây kín ông Khiu bà Khiu. Một người vác cờ màu hồng có hai mẹ con trâu và nghé, phía dưới cán cờ có treo nơm, giỏ đựng cá. Có 5 thanh niên mặc quần áo nâu vác cờ hình đầu trâu, đầu bò bằng giấy dán vào nan đan, 5 thanh niên khác trong trang phục nâu vác cờ bông lúa vừa đi vừa làm trò vui vẻ, đi cùng đám rước trẻ, già, trai, gái trong làng rất đông vui. Rước đến Oa nhà Nít thực hiện nghi lễ phồn thực rồi trở lại Đình đến bên giàn khiu làm lễ đầu xuân. Kiệu được đặt cạnh ông bà Khiu, thầy cúng, người đánh trống khẩu, người đánh chiêng. Lễ vật bánh chưng được đưa lên giàn.
Ông Khiu làm lễ đầu xuân tại Đình làng với lời khấn:
“Cầu cho dân khang vật thịnh
Mưa thuận gió hòa
Để dân làng ta
Có nơm úp cá
Có rá đựng xôi...”.
Khấn 3 lượt. Hết bài khấn, ông Khiu bà Khiu lại ngẩng lên trời vái 3 lần. Cuối cùng ông Khiu tung bánh chưng, bà Khiu tung ngũ cốc, dân làng đổ xô thi nhau cướp để lấy may. Ai cướp được nhiều hạt ngũ cốc, nhiều bánh chưng thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, người người no đủ.
Kết thúc cuộc rước, dân làng còn tổ chức nhiều trò vui nhộn như đấu vật, văn nghệ, đánh cờ, kéo co, chơi tổ tôm điếm, kéo lửa nấu cơm thi, hát ống...
Ngoài ra Thanh Đình còn nhiều ngày lễ khác như: Lễ rước Tế Thánh, Lễ rước Hú cờ, lễ mở cửa đình, lễ tất niên... Hầu hết các lễ hội tại Đình Thanh Đình đều được tổ chức vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, là lúc tiết Xuân hội hè, nhân dân trong làng tổ chức tiệc để cầu mùa, cầu may mắn bình an, thịnh vượng đến cho làng. Vào mùng 10 tháng Ba âm lịch, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, dân làng sắm sửa lễ vật và tổ chức lễ dâng hương tại Đình Thanh Đình. Đây là một trong các hoạt động được địa phương tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay./.