Cập nhật ngày: 07/05/2020 13:14
Thời gian qua, nhiều người biết đến CCB Vũ Tiến Nhuệ (khu Cao Đại, phường Minh Phương, thành phố Việt Trì) qua việc ông ủng hộ 1 tấn gạo để cùng góp sức trên “mặt trận” phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng ít người biết rằng ông còn là một người lính từng tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ. Năm nay ông Nhuệ đã 92 tuổi nhưng những ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là dấu son trong tâm trí ông. Mỗi lần xem báo, đài nói về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông lại rưng rưng xúc động. Ông chia sẻ: “Tôi không kể lịch sử, tôi chỉ kể ký ức của mình về những kỷ niệm không thể nào quên đối với một người lính lái xe vận chuyển hàng hóa, đạn dược cho mặt trận”.
Nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi tràn trề nhựa sống và hừng hực khí thế, với ông, những con đường đã từng qua, những địa danh từng đến, những vui, buồn, nhớ mong, chờ đợi, thậm chí cả những mất mát, hy sinh… đều là những kỷ niệm ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời, để hôm nay, ngồi nhớ về những kỷ niệm một thời “vào sinh ra tử” cùng đồng đội, những tình cảm gắn bó của người chiến sỹ Điện Biên với chiếc xe, khẩu pháo trên đường vào chiến dịch năm xưa như hiện lên trước mặt. Ông kể, nhiều lần đang chạy xe, địch bắn pháo sáng, nhưng ông cùng đồng đội vẫn không nao núng, dũng cảm nắm chặt tay lái, dựa vào pháo sáng chập chờn của giặc Pháp mà chạy xe. Với ông những ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” đã tôi luyện ông và những chiến sĩ Ðiện Biên bản lĩnh kiên định, ý chí quật cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp thêm sức mạnh cho đội quân từng bước đi đến chiến thắng.
Cùng giai đoạn chiến đấu trong gian khó như CCB Vũ Tiến Nhuệ, CCB Nguyễn Trọng Cơ (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) nay đã bước sang tuổi 90. Ông tham gia quân đội theo phong trào học sinh tòng quân năm 1950 và được cử đi học y tá ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn tại Thái Nguyên. Từ 1953 - 5/1954, ông tham gia cứu chữa cho bộ đội và dân công bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, ông và các chiến sĩ quân y gần như không có giấc ngủ nào trọn vẹn, pháo, đại bác, bom đạn của địch rền vang khắp nơi. Có lúc những “chiến sỹ blouse trắng” như ông đã phối hợp cùng bộ đội ta đánh trực diện quân địch. Buông tay súng, ông lại cùng các y, bác sỹ băng bó, cứu chữa cho thương binh. Khi được hỏi về những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp, về những trận đánh, những lần giành giật sự sống cho đồng đội từ tay tử thần, ông Cơ trầm ngâm: “Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng lúc bấy giờ, tôi cùng đồng đội luôn tự động viên nhau bằng câu nói “gan không núng, chí không mòn”, một lòng tin vào chiến lược lãnh đạo, tin ngày chiến thắng sẽ không còn xa”.
Theo lời kể của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du (sinh năm 1927), hiện ở khu 12 xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông là lính công binh. Chiều hè lịch sử ngày 7/5/1954, khi đó ông phải nằm điều trị chấn thương do bị sức ép từ bộc phá đánh lô cốt của địch và những mảnh đạn “găm” trên cơ thể. Khi nghe tin Điện Biện được hoàn toàn giải phóng, ông cùng đồng đội đang là những thương binh vỡ òa trong niềm sung sướng. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, những thương binh như ông, ai ai cũng quên hết nỗi đau thể xác, hòa cùng niềm vui hân hoan về chiến thắng lịch sử, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má những người lính…
Đã 66 năm trôi qua song với những cựu chiến binh, nhiều ký ức hào hùng về một Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên, trở thành bản hùng ca trong giáo dục lý tưởng, giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.