“Gia tài” lòng nhân ái
Giọng điệu trầm ấm, gần gũi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, ông kể: “Nhớ lại thời điểm năm 2005, khi phong trào hiến máu nhân đạo mới được phát động, chưa tạo sức lan tỏa, hưởng ứng sâu rộng trong cộng đồng. Máu là chế phẩm đắt đỏ và ngân hàng dự trữ máu tại nhiều cơ sở bệnh viện vẫn còn thiếu hụt, việc đảm bảo lượng máu dự phòng phục vụ công tác y tế gặp rất nhiều khó khăn. Ngày ấy, khi tôi đưa vợ vào nhập viện chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, hồi hộp ngồi chờ ngoài phòng sinh, tôi bất ngờ chú ý bởi tiếng ồn ào, xôn xao tại phòng cấp cứu cạnh bên. Một sản phụ sinh khó đang trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, nhưng nhóm máu phù hợp với bệnh nhân đã hết nguồn dự trữ tại bệnh viện. Toàn bộ y bác sĩ, người nhà bệnh nhân lúc đó nhanh chóng được huy động hiến máu để kịp thời cấp cứu cho sản phụ. Chứng kiến hình ảnh từng bịch máu được nhân viên y tế hối hả chuyển vào phòng cấp cứu, trái tim tôi cũng nghẹn ngào xúc động. Cơ duyên đưa tôi đến với hoạt động hiến máu tình nguyện bắt đầu từ đó”.
Thấm thoát thời gian trôi, cứ đều đặn mỗi năm 3 lần, đến nay, cũng đã tròn 15 năm ông Thông gắn bó với phong trào hiến máu nhân đạo. Thói quen hàng tuần của “người đàn ông nhân ái” là tra cứu thông tin trên các trang mạng điện tử trong và ngoài tỉnh, các nhóm, hội chữ thập đỏ để cập nhật những chương trình hiến máu tình nguyện sắp tổ chức, kịp thời nắm bắt, tham gia và chia sẻ cho bạn bè có chung tấm lòng thiện nguyện. Tham gia Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện tỉnh từ những ngày đầu thành lập, ông cùng với 58 hội viên khác luôn kiên trì, bền bỉ, tích cực hưởng ứng các phong trào, chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức và là “địa chỉ tin cậy” của Trung tâm huyết học và truyền máu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi khi trung tâm cần người hiến máu đột xuất.
Bước sang tuổi 58, “gia tài” mà ông Thông trân quý nhất chính là 41 tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện được ông sắp xếp ngay ngắn, phẳng phiu, bày biện trang trọng trong ô tủ kính chính giữa gian phòng khách căn nhà mình và loạt Bằng khen, Kỷ niệm chương do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ các cấp trao tặng. Nhìn ánh mắt đong đầy niềm tự hào và nụ cười rạng rỡ hiện trên gương mặt ông mỗi khi ngắm nhìn kho gia tài ấy, chúng tôi hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là những kỷ vật, mà còn là dấu ấn riêng trong cuộc đời ông. Dấu ấn đặc biệt và vô giá mà không phải ai cũng có được…
Ông Thông bộc bạch với chúng tôi về hồi ức ý nghĩa nhất sau bao tháng năm tham gia hiến máu nhân đạo: “Năm 2015, tôi vinh dự là đại diện tiêu biểu tỉnh Phú Thọ trong top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về phong trào hiến máu tình nguyện. Những lời chia sẻ, đánh giá sâu sắc ấy khiến tôi thêm hiểu về vai trò, trách nghiệm và giá trị tích cực từ hành động nhỏ của bản thân đóng góp cho phong trào hiến máu. Để rồi câu nói: San sẻ giọi máu hồng để hồi sinh sự sống vẫn vang vọng trong tim tôi bao năm qua và trở thành động lực để tôi tiếp tục tham gia phong trào hiến máu tình nguyện và lan tỏa hoạt động này đến mọi người xung quanh”.
Thiện nguyện rèn phẩm chất
15 năm gắn bó với hoạt động hiến máu nhân đạo là bấy nhiêu năm ông Thông tích lũy cho bản thân vốn kiến thức phong phú về chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh. Ngoài việc chăm chỉ rèn luyện thể thao, sử dụng đa dạng các bài tập vận động thư giãn giúp lưu thông khí huyết cơ thể, ông cũng tìm hiểu, nghiên cứu qua sách báo, lắng nghe tư vấn bác sĩ để xây dựng cho mình chế độ ăn dinh dưỡng, cân bằng lượng protein và chất xơ, vitamin trong cơ thể ổn định. Để nguồn hiến máu của mình được giữ gìn tốt, ngay từ những ngày đầu tham gia phong trào, ông Thông đã lựa chọn cho mình lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá, chất kích thích, hạn chế rượu bia và trang bị kiến thức phòng ngừa các căn bệnh xã hội lây nhiễm qua đường máu.
Bên cạnh hoạt động hiến máu nhân đạo, ông Thông còn là người luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội, giúp đỡ nhiều gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Ngoài tham gia các chương trình từ thiện, quyên góp, ủng hộ người nghèo tại nhiều địa phương khó khăn trong và ngoài tỉnh, mỗi năm, ông đều chủ động trích 15 triệu đồng để trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo nỗ lực vượt khó học giỏi tại quê hương, tiếp sức thế hệ trẻ đến trường.
Luôn tâm niệm “Sống là để sẻ chia” nên dù đã đi qua hơn nửa cuộc đời ông Thông dành trọn lòng nhiệt huyết cho công tác thiện nguyện. Với ông, mỗi lần được giúp đỡ, san sẻ khó khăn, gánh nặng với những con người kém may mắn là một lần nhân lên giá trị nhân đạo, ý nghĩa cho cuộc sống. Tấm lòng nhân ái, chân thành của ông Phan Trung Thông chính là tấm gương sáng trong công tác thiện nguyện. Tấm gương ấy đã và đang tiếp tục truyền cảm hứng lan tỏa tấm tinh thần ái sâu rộng trong cộng động và xã hội.